Tình trạng “ thương mại hóa” trong những lễ hội cổ truyền ở Việt Nam.

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017
      Ngành du lịch Việt Nam đang ngày càng phát triển đóng góp lớn cho nền kinh tế nước nhà. Thế nhưng để phát triển ngành du lịch một cách bền vững thì đó là một bài toán khó. Bài viết này nhằm bổ sung kiến thức và giúp các em có nhận thức đúng đắn, tạo cho mình những chuẩn mực trong phong cách sống để những lễ hội Việt vẫn còn mãi những giá trị văn hóa linh thiêng tiêu biểu cho một quốc gia, một dân tộc…
       Ông bà ta từ ngày xưa đã có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Đúng vậy, vào mỗi độ xuân về, sau khi đã tận hưởng cái Tết ấm cúng với gia đình, người dân Việt lại bắt đầu với những hành trình đến với những lễ hội truyền thống được diễn ra trên khắp mảnh đất hình chữ S này.
      Lễ hội truyền thống là một hình thái văn hóa biểu thị những giá trị tiêu biểu của một cộng đồng, một dân tộc. Nó mang giá trị bảo tồn văn hóa và truyền thống, là “bảo tàng sống” về văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo thống kê, nước ta có hơn 7000 lễ hội ( hội Đền Hùng, hội chùa Hương, hội Yên Tử…..). Lễ hội không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu mà còn mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn, về dân tộc.
       Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa nhân văn tích cực thì còn không ít những hạn chế trong việc tổ chức lễ hội gây bức xúc trong dư luận. Trong những năm vừa qua, lễ hội truyền thống Việt có nhiều thăng trầm, nhiều lễ hội truyền thống không được vận hành đúng quy luật, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc theo đó cũng mai một….Tình hình đáng chú ý là lễ hội phát triển ồ ạt, không định hướng, kèm theo các yếu tố ngoại lai và đang bị “thương mại hóa” quá mức. Một số hiện tượng đang dần trở nên phổ biến như tăng giá trông giữ xe cao gấp 3, 4 lần so với quy định, nhiều điểm giữ xe tự phát mọc lên gây ách tắc giao thông; các hiện tượng mê tín dị đoan, cúng thuê, khấn thuê, bói toán…làm mất đi bản sắc văn hóa và ý nghĩa tâm linh của lễ hội. Khối lượng hàng mã đốt nghi ngút gây lãng phí và nguy cơ hỏa hoạn. Nhiều chiếu bạc được tổ chức công khai dưới hình thức vui chơi có thưởng , những trò chơi dân gian, thi đấu thể thao cũng bị lợi dụng; các dịch vụ thương mại khác cũng mọc ra như đổi tiền lẻ, gánh đồ thuê, thắp hương hộ, dịch vụ vệ sinh….
      Tất cả những hiện tượng trên đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, để lại những tác động xấu đến môi trường, giao thông ách tắc, tệ nạn trộm cắp tràn lan..làm mất đi sự tôn nghiêm nơi linh thiêng, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc bị mai một. Nguyên nhân chủ yếu do sức hút của đồng tiền, ý thức người dân chưa được nâng cao, mặt khác sự quản lí không chặt chẽ của các cấp chính quyền cũng tạo điều kiện để hiện tượng  “ thương mại hóa” ngày càng phổ biến.
               Mặc dù “thương mại hóa” là để phục vụ nhu cầu con người nhưng cần có mức độ vừa phải để hạn chế những tác hại không đáng có.
Vậy nên cần có các giải pháp khắc phục những tác hại đó. Trước hết cần có sự phối hợp chặt chẽ vào cuộc  của các cấp, các ngành tại địa phương trong trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên, liên tục và xử lý kịp thời và nghiêm minh những hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật, có sức thuyết phục với cơ sở kiểm tra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất.Việc tuyên truyền giới thiệu về lễ hội, di tích phải được sưu tầm, nghiên cứu một cách khoa học, thận trọng trước khi tuyên truyền để bảo tồn nét đặc trưng của lễ hội, tránh sao chép, bắt trước các lễ hội khác mà địa phương không có. Tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội đề cao để nâng cao nhận thức của nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội. Tăng cường vận động nhân dân và du khách tham gia lễ hội, nhất là các hộ kinh doanh dịch vụ tại lễ hội có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích, ứng xử văn minh trong hoạt động tâm linh, lễ hội, không ép giá, không chèo kéo khách.Công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng đối với những lễ hội tổ chức tốt và phê bình kịp thời những lễ hội còn để nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội phải được chú trọng tiến hành thường xuyên sau mỗi kỳ kết thúc lễ hội. Việc tập huấn cho cán bộ quản lý di tích, cán bộ tổ chức lễ hội phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội, để các tổ chức và cá nhân tích cực tham gia các nghi lễ, hoạt động vui chơi giải trí trong phần hội. Đối với một số lễ hội còn bảo tồn hoặc phát sinh hoạt động tiêu cực mang tính nhạy cảm, bạo lực cần kịp thời tổ chức hội thảo khoa học và thực tiễn để lấy ý kiến các nhà khoa học và quản lý nhằm bảo tồn những yếu tố tích cực phù hợp với thuần phong mỹ tục và cuộc sống đương đại, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, nhạy cảm, mang tính bạo lực.
      Bởi vậy để phát triển ngành du lịch Việt Nam một cách bền vững đòi hỏi ngay từ chính mỗi người phải có nhận thức đúng đắn, tạo cho mình những chuẩn mực trong phong cách sống để những lễ hội Việt vẫn còn mãi những giá trị văn hóa linh thiêng tiêu biểu cho một quốc gia, một dân tộc…
                                                                                    Giáo viên: Bùi Thị Thúy Quỳnh - Nhóm chuyên môn Địa lý
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments