TỔNG QUAN ÔN THI HỌC KỲ II, MÔN NGỮ VĂN, NĂM HỌC 2016-2017
Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017
I.
NỘI DUNG GIỚI HẠN,
CẤU TRÚC, MỨC ĐỘ, DẠNG HỎI
1.
Nội dung giới hạn
1.1.
Tiếng
Việt:
-
Bài
2: Từ ngữ tiếng Việt
-
Bài
3: Ngữ pháp tiếng Việt
-
Bài
4: Văn bản
-
Bài
5: Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ
1.2.
Văn
học:
-
Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm
-
Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
-
Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
-
Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang
Vũ
2. Cấu trúc
- Bao gồm hai phần:
+ Phần I (3,0 điểm): Đọc hiểu
Đoạn
trích/văn bản nhật dụng hoặc đoạn trích/văn bản nghệ thuật
+ Phần II (7,0 điểm): Làm văn
Câu 1 (2,0
điểm): NLXH, viết đoạn văn
Câu 2 (5,0
điểm): NLVH, viết bài văn
-
Thời gian: 120 phút.
3.
Mức độ
- Kết hợp giữa các mức độ
biết – hiểu – vận dụng
- Ưu tiên câu hỏi vận dụng,
vận dụng sáng tạo
4.
Dạng hỏi
- Phần đọc hiểu:
lựa chọn văn bản/đoạn trích văn bản nhật dụng. Thiết kế 04 câu hỏi đọc hiểu.
- Phần làm văn:
quan tâm đến các dạng hỏi mở:
+ Câu 1: nghị luận
xã hội viết đoạn văn (200 – 300 chữ) dựa trên thông tin của đoạn trích/văn bản
đọc hiểu.
+ Câu 2: nghị luận
văn học viết bài văn bày tỏ ý kiến, quan điểm, làm sáng tỏ, đánh giá vấn đề, ý nghĩa vấn đề,…
II.
MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG
1.
Các nội dung tiếng
Việt
-
Không
xây dựng thành đề kiểm tra
-
HS
nắm vững các nội dung chính của các bài 2,3,4,5 để trả lời các câu hỏi đọc hiểu
và tạo lập đoạn trích/ văn bản
2.
Phần đọc hiểu
-
Lựa
chọn văn bản/đoạn trích văn bản nhật dụng. Thiết kế 04 câu hỏi đọc hiểu.
-
Câu
hỏi xoay quanh các dạng:
+ Phương thức biểu đạt
+ Phong cách chức năng ngôn ngữ
+ Biện pháp tu từ
+ Ý nghĩa từ/cụm từ
+ Suy nghĩ/cảm nhận/thái độ/quan điểm
+ Câu chủ đề
+ Nội dung chính
+ Liên kết câu
+ Thao tác lập luận chính
+ Đề xuất biện pháp
+ So sánh vấn đề trong văn bản với vấn đề tương
đương ngoài văn bản
2.2.
Ngữ liệu
Đọc văn bản sau và
thực hiện các yêu cầu:
Điều
gì phải thì cố làm cho kì được, dù là một việc phải nhỏ. Điều gì trái, thì hết
sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.
Trước
hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh
thần quốc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động. Phải giữ gìn kỷ luật. Phải bảo
vệ của công. Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải chú ý đến tình hình
thế giới, vì ta là một bộ phận quan trọng của thế giới, mọi việc trong thế giới
đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới.
Thanh
niên cần phải có tinh thần gan dạ và sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và
tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải
trung thành, thật thà, chính trực.
(Trích
Một
số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh
– NXB Chính trị Quốc gia)
Ngữ liệu 2:
[1] ...Thật khó để rao giảng sự tự hào dân tộc. Hầu
như chúng ta có cảm xúc đó trong một hoàn cảnh cụ thể khi chúng ta đứng
trước một biển người cùng hòa vang quốc ca hoặc khi chúng ta nghe một câu
chuyện thành công của những nhân tài của đất nước hay chúng ta bất bình
trước một vấn đề ảnh hưởng đến con người và quê hương mình. Nhưng hãy nói
về một câu chuyện đơn giản hơn, ở lứa tuổi học sinh, chúng ta sẽ thể hiện sự tự
hào đó như thế nào?
[2] Tự hào dân tộc không phải là việc
chúng ta thuộc ca dao, tục ngữ, thơ văn lưu loát mà là có sự cảm nhận về
vẻ đẹp của văn hóa dân tộc và mang trong mình tâm thế chia sẻ, quảng bá
những vẻ đẹp truyền thống của đất nước ra thế giới. Tự hào dân tộc
không phải là việc chúng ta thuộc lòng những tình tiết lịch sử nước nhà mà
là tôn trọng các nền văn hóa, các quốc gia khác nhau và biết hành động vì vị
thế của đất nước. Tự hào dân tộc không phải là việc vỗ ngực xưng tên, xem
nhẹ các nền văn hóa khác mà là thể hiện bản sắc người Việt trong bối cảnh
quốc tế.
(Trích Thư gửi học sinh nhân
ngày tựu trường năm học 2016-2017, Marcel van Miert, chủ tịch điều hành
hệ thống Trường Quốc tế Việt - Úc)
Ngữ liệu 3
Những dấu chấm câu
Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy.
Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau
những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản.
Sau đó, không may, anh ta lại làm mất dấu chấm than. Anh bắt đầu nói khe khẽ,
đều đều, không ngữ điệu. Anh không cảm thán, không xuýt xoa. Không gì có thể
làm anh ta sung sướng, mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả. Đằng sau đó là sự thờ ơ đối
với mọi chuyện.
Kế đó, anh ta đánh mất dấu chấm hỏi và
chẳng bao giờ hỏi ai điều gì nữa. Mọi sự kiện xảy ra ở đâu, dù trong vũ trụ hay
trên mặt đất hay ngay trong nhà mình mà anh ta không biết, anh ta đánh mất khả
năng học hỏi. Đằng sau đó là sự thiếu quan tâm với mọi điều.
Một vài tháng sau, anh ta đánh mất dấu hai
chấm. Từ đó anh ta không liệt kê được, không còn giải thích được hành vi của
mình nữa. Anh ta đổ lỗi cho tất cả, trừ chính mình.
Cứ mất dần các dấu, cuối cùng anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép mà thôi. Anh ta
không phát biểu được một ý kiến nào của riêng mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích
dẫn lời của người khác. Thế là anh ta hoàn toàn quên mất cách tư duy.
Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.
Thiếu những dấu chấm câu trong một bài văn,
có thể bạn chỉ bị điểm thấp vì bài văn của bạn mất ý nghĩa, nhưng mất những dấu
chấm câu trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời bạn cũng mất ý
nghĩa như vậy.
Mong bạn hãy giữ gìn những dấu chấm câu của
mình, bạn nhé!
Ngữ liệu 4
ĐÊM MƯA
Con về thăm mẹ
chiều mưa,
Mới hay nhà dột
gió lùa bốn bên.
Hạt mưa sợi thẳng,
sợi xiên,
Cứ nhằm vào mẹ
những đêm trắng trời.
Con đi đánh giặc
một đời,
Mà không che nổi
một nơi mẹ nằm.
(Tô Hoàn)
Ngữ liệu 5
“Cuộc chiến” giành vỉa hè: có điều đang băn khoăn
“Cuộc chiến dành vỉa hè khởi đầu từ Quận 1 TP Hồ Chí Minh,
lan ra Hà Nội và nhanh chóng tỏa rộng ra một số thành phố trong cả nước, đã
được dư luận đồng tình và ủng hộ. Bạn đọc Ngoc Hai fb_google@openid.com
viết: “Tôi 100% tán thành việc xoá bỏ các hạng mục lấn chiếm vỉa hè, lòng
đường. Vì một môi trường văn minh, sạch, đẹp rất cần động thái quyết liệt như
vậy!”. Bạn đọc Phu Nguyen ngày 07/03 viết: “Nhân dân luôn đồng hành
ủng hộ bác Hải PCT Quận1, chúc bác luôn khỏe mạnh vững chí tiếp tục vì dân phục
vụ”.
Báo Dân
trí thăm dò ý kiến 13689 bạn đọc cũng nhận được sự đồng tình
với kết quả sau. Kết quả bình chọn: Xử lý quyết liệt, liên tục các vi phạm 71.33%,
Không cần biện pháp mạnh, tuyên truyền là chính 1.94%, Kết hợp tất
cả các cách làm khác nhau 26.73%.
Tuy nhiên,
trong “cuộc chiến” giành lại vỉa hè, một vấn đề được nhiều bạn đọc băn khoăn và
dành nhiều bình luận như bạn đọc Trần Mỹ Xuyên ngày 08/03 trăn trở: “Không lấy
lại vỉa hè thì lấn chiếm lề đường gây mất trật tự, người đi bộ không có lối đi
phải đi dưới lòng đường rất nguy hiểm, còn lấy lại được vỉa hè cho người đi bộ
thì sẽ làm rất nhiều người sẽ mất việc, mất đi nguồn thu nhập nguồn sống của
mọi người vì đây là miếng cơm manh áo cho cả nhà họ. Vì vậy tốt nhất nên khảo
sát tạo công ăn việc làm cho những người đó để họ chuyển sang nghề khác để có
thu nhập và đồng thời cũng lấy lại được vỉa hè cho người đi bộ”.
(Trích dantri.com.vn › Diễn đàn ngày 15/3/2017)
3.
Phần làm văn
3.1.
Phần nghị luận
xã hội
- Viết đoạn văn trong khoảng 200-300 chữ
trình bày suy nghĩ về vấn đề đặt ra trong phần đọc hiểu
- Mức độ dạng hỏi vận dụng sáng tạo
- Nắm vững kĩ năng viết đoạn văn
- Nắm vững kĩ năng nghị luận xã hội
- Trình bày theo định hướng
+ Giải thích – bình luận khía cạnh
đúng/tích cực/phù hợp và khía cạnh chưa đúng/chưa phù hợp/chưa tích cực - bài học nhận thức, hành động (nếu là vấn đề
thuộc tư tưởng đạo lí); HOẶC giải thích – biểu hiện – nguyên nhân, hệ quả - giải
pháp – bài học nhận thức (nếu là vấn đề thuộc hiện tượng đời sống).
+ Vấn đề trình bày sử dụng thao tác lập
luận: giải thích, chứng minh, phân tích, so sánh,..phương pháp lập luận: diễn dịch,
qui nạp, tổng – phân – hợp,…
3.2.
Phần nghị luận
văn học
3.2.1. Yêu cầu
- Nắm vững quan
niệm về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đặc trưng bi kịch, khuynh hướng sử
thi, giá trị tác phẩm, phong cách nhà văn, quan niệm về đất nước, chất liệu văn
hóa dân gian trong sáng tạo nghệ thuật, chi tiết nghệ thuật, hình tượng nghệ
thuật,…
- Xác định các
biểu hiện của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đặc trưng bi kịch, khuynh
hướng sử thi, giá trị tác phẩm, phong cách nhà văn, quan niệm về đất nước, chất
liệu văn hóa dân gian trong sáng tạo nghệ thuật, chi tiết nghệ thuật, hình tượng
nghệ thuật,… qua phương diện nội dung/ nghệ thuật/ý nghĩa
- Bình luận (giải
thích/chứng minh/phân tích/so sánh,..) các biểu hiện/ý kiến xoay quanh của chủ
nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đặc trưng bi kịch, khuynh hướng sử thi, giá
trị tác phẩm, phong cách nhà văn, quan niệm về đất nước, chất liệu văn hóa dân
gian trong sáng tạo nghệ thuật, chi tiết nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật,…
thông qua hệ thống hình tượng/ chi tiết nghệ thuật/ phương diện nội dung/ nghệ
thuật trong các tác phẩm/ý nghĩa tác phẩm, đoạn trích được học của văn học Việt
Nam từ sau CMT8, 1945 đến hết thế kỉ XX.
- Vận dụng, đánh
giá được nội dung/ý nghĩa trong các sáng tác để bày tỏ suy nghĩ, quan niệm của
mình về các vấn đề nhân đạo, cá nhân – cộng đồng,…học tập, rèn luyện,…bài học,….
- Nắm vững kĩ
năng văn nghị luận qua các dạng hỏi: cảm nhận/ nhận định/hai ý kiến/ …để xây dựng
định hướng tiếp cận phù hợp.
3.2.2. Minh họa
Vấn đề 1 : Quan niệm về Đất
Nước của Nguyễn Khoa Điềm trong 9 câu thơ đầu
1. Khái quát chung
- Đất nước là hình tượng thiêng liêng mà quen thuộc,
là đề tài muôn thuở và là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, nghệ thuật.
- Viết về đất nước mỗi tác giả đều có một cách cảm
nhận riêng. Bài thơ Đất Nước (trích
trong trường ca Mặt đường khát vọng)
của Nguyễn Khoa Điềm là một trong những bài thơ độc đáo. Đặc biệt ở 9 câu thơ
đầu tác giả đã thể hiện sâu sắc quan niệm về đất nước.
2. Quan niệm về Đất
Nước trong 9 câu thơ đầu
- Theo tác giả đất nước có từ rất lâu đời. Cụm từ ngày xửa ngày xưa không xác định chính
xác thời gian nhưng là sự cảm nhận về sự trường tồn của đất nước.
- Quan niệm của tác giả về cội nguồn đất nước không
phải cái gì trừu tượng, xa xôi mà là những gì gần gũi, bình dị, gắn bó với cuộc
sống của mỗi người (đất nước có trong những câu chuyện cổ tích mẹ kể, là miếng
trầu bà vẫn thường ăn, là búi tóc thân thương của mẹ, là quá trình làm ra hạt
gạo, là những vật bình bị như cái kèo, cái cột...). Tóm lại, bất kì một biểu
hiện nhỏ bé nào cũng mang dáng hình đất nước, đất nước trở nên thân quen và gắn
bó máu thịt với cuộc sống của con người.
- Đất nước còn được sinh ra và nuôi đưỡng trong những
truyền thống đạo lí tốt đẹp như: truyền thống đánh giặc, truyền thống lao động,
lối sống tình nghĩa, thủy chung...
- Đất nước được định nghĩa và cảm nhận theo cách rất
riêng, trong đó việc sử dụng các chất liệu của văn hóa dân gian nhằm gọi tên
đất nước được coi là yếu tố cốt lõi. Hình ảnh đất nước được tái hiện qua những
câu truyện cổ, những câu ca dao, thần thoại, những phong tục tập quán, những
truyền thống quý báu của dân tộc...
Như
vậy theo quan niệm của tác giả, đất nước có từ xa xưa, gắn liền với cuộc sống
bình dị của nhân dân và là đất nước của ca
dao thần thoại. Đây vừa là tư tưởng cốt lõi trong 9 câu thơ đầu cũng là tư
tưởng xuyên suốt bài thơ.
- Về nghệ thuật: + ngôn ngữ thơ thấm đẫm chất liệu và
hương sắc của văn hóa dân gian.
+ giọng điệu thơ tâm
tình thủ thỉ như lời kể chuyện cổ tích đưa ta đi tìm cội nguồn đất nước.
3. Đánh giá, liên
hệ
- Đây là quan niệm mới mẻ và khá độc đáo về đất nước
của Nguyễn Khoa Điềm ( có thể so sánh với quan niệm về đất nước trong thơ văn
trung đại và trong các tác phẩm cùng giai đoạn để làm rõ sự độc đáo).
- Qua bài thơ, ta thấy được niềm tự hào về cội nguồn
đất nước, từ đó xác định trách nhiệm của bản thân đối với đất nước.
Vấn
đề 2
HỆ THỐNG CHẤT LIỆU VĂN HOÁ DÂN GIAN TRONG ĐOẠN TRÍCH
"ĐẤT NƯỚC" CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Thành công của Nguyễn Khoa Điềm qua đoạn trích Đất Nước sử dụng chất liệu văn hoá, văn học dân
gian rất đa dạng và đầy sáng tạo: Có
thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ca dao, dân ca, tục ngữ. Có phong tục, lối
sống, tập quán sinh hoạt, vật dụng quen thuộc như miếng trầu, tóc bới sau đầu,
cái kèo, cái cột, hạt gạo xay, giã, giần, sàng, hòn than, con cúi...Cách vận
dụng của tác giả thường là chỉ gợi ra bằng một vài chữ của câu ca dao hay một
hình ảnh, một chi tiết trong truyền thuyết, cổ tích.
1.
Chất liệu văn hoá dân gian trong đoạn trích Đất Nước gắn với ca dao, tục ngữ,
ngạn ngữ của văn học dân gian
Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử
dụng một cách sáng tạo đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng cho đoạn
trích, vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng. Hơn
nữa, có thể nói chất liệu dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của
Nguyễn Khoa Điềm, tạo nên một đặc điểm trong tư duy nghệ thuật của ông trong
đoạn thơ. Chỉ nói đến cách sử dụng ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, ta cũng thấy sự
tinh tế của tác giả trong cách biểu đạt rất riêng, rất độc đáo.
Khi nhà thơ triết lý về cội nguồn sinh ra
đất nước cũng là cội nguồn của mỗi gia
đình
nên Đất Nước không chỉ tạo bỡi những gì trừu tượng, xa xôi mà được hình thành,
tạo bỡi từ tình nghĩa thuỷ chung của cha mẹ qua câu thơ :
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Thì đây là ý thơ cho ta thấy tác giả gợi tả từ cái gốc của
chất liệu dân gian, đó là từ trong câu ngạn ngữ dân gian “Gừng cay muối mặn”,
chỉ những cay đắng gian nan đã gắn bó tình nghĩa vợ chồng. Và thói quen tâm lí,
tình cảm này cũng làm cho ta gợi nhớ đến câu ca dao hết sức trìu mến:
Tay bưng chén muối đãi gừng
Gừng cay
muối mặn xin đừng quên nhau
Và khi nói về tình yêu đôi lứa, câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm
cũng hết sức mượt mà, đất nước gắn bó với con người trọn đời: từ thuở ấu thơ
đến lúc thưởng thành và biết yêu thương, hẹn hò, nhớ nhung lại gắn với hình ảnh
Đất Nước:
Đất
Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Khi xúc cảm nên dòng thơ này, nhà thơ như nhằm muốn tâm sự,
trong tình yêu đôi lứa, trong nỗi nhớ nhung da diết của em đã hiện hữu tình Đất
Nước. Và đó là nỗi nhớ không định hình được mà câu ca dao tình yêu quen thuộc
cất lên rất gần gũi và hết đỗi đời thường:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi
xuống đất…
Và khi Nguyễn Khoa Điềm nhằm giải bày Đất Nước trải ra theo
chiều dài, chiều rộng của không gian nhưng không gian ấy thật gần gũi, là nơi
con chim bay về, nơi con cá móng nước:
Đất
là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thì đó là một ý thơ có thể nhận thấy, nhà thơ lấy cảm hứng
trọn vẹn từ câu hò Bình- Trị- Thiên quen thuộc, bỡi vì nhà thơ được sinh ra và
trưởng thành trên vùng đất giàu giá trị văn hóa, thơ Nguyễn Khoa
Điềm thấm đẫm hồn Huế, chính vì thấm nhuần nền văn hóa dân gian nơi
chôn nhau cắt rốn nên khi khái quát về Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm cũng đã
nghĩ ngay đến câu ca dao bình dân của quê hương, xứ sở mình:
Con
chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc
Con cá ngư
ông móng nước ngoài khơi
Gặp nhau đây
xin phân tỏ đôi lời
Kẻo mai kia
con cá về sông vịnh, con chim nọ đổi dời về non xanh
Tự hào về một đất nước có bề dày lịch sử bốn nghìn năm, nên
nhà thơ đã hướng về một yếu tố mang tính tâm linh nhưng hết sức truyền thống
của người Việt. Bỡi chính nhân dân là những người đã làm nên cái hồn văn hoá và
đạo lí truyền thống cao cả cho đất nước, nên nhà thơ tâm sự:
Hàng
năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
Trong mỗi chúng ta đều biết cội nguồn dân tộc, gốc gác
tổ tiên luôn nhắc nhở mọi người Việt rằng: bái vọng tổ tiên, yêu
quê cha đất tổ, chính là những yếu tố góp phần làm nên truyền
thống yêu nước của người Việt Nam. Vì thế, bái vọng tổ tiên là điều không
thể thiếu, thể hiện sự tôn trọng đầy thiêng liêng của người sống đối với người
đã khuất. Đây cũng là ý thơ mà trong ca dao đã từng nhắc nhở:
Dù ai đi
ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ
Tổ mùng mười tháng ba
Có thể nói trong kho tàng ca dao dân ca
Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng màu sắc của dân tộc, và nhà thơ
đã chọn lọc từ những câu ca dao tiêu biểu nhất để nói về các phương diện truyền
thống khác nhau của nhân dân. Trong đó câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã nhằm
diễn tả sự say đắm trong tình yêu nhân văn, nhân bản và cao đẹp nhất:
Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi
Là ý tứ từ câu ca dao đầy ngọt ngào, trìu mến, bình dị và
hết sức thân quen, nó thường trực hằng ngày mà trong những đôi nam nữ, trai gái
yêu nhau không khó để nhận ra:
Yêu em từ thuở trong nôi
Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru
Có lúc câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm là nhằm nói đến sự quý
trọng trong lối sống tình nghĩa, biết nâng niu, trân trọng những gì có
được từ khó nhọc, gian nan:
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Thì đâu đó phản phất trong ca dao cũng đã đúc kết và nhắc
nhở mọi người rằng:
Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng
Ngoài ra, câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm cũng nói đến một phẩm
chất nữa của nhân dân Việt Nam là bền bỉ kiên cường trong chiến đấu dựng
và giữ nước, vì đất nước là của nhân dân, do nhân dân làm nên, nên đất nước mãi
mãi trường tồn, bất diệt:
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Điều này cũng có nghĩa là trong ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm,
nhà thơ đã luyến láy, cảm hứng xuất phát từ cái gốc của câu ca dao đầy
hùng hồn và đanh thép:
Thù
này ắt hẳn còn lâu
Trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què
Có thể thấy ở tất cả những dòng thơ trên của Nguyễn
Khoa Điềm, nhà thơ đã vận dụng và chuyển ý sáng tạo những câu ca dao, ngạn ngữ
thành lời thơ đằm thắm, trữ tình, thiết tha của mình, không ngoài mục đích là
ca ngợi nhân dân, ca ngợi bản sắc văn hoá của người Việt Nam.
2.
Chất liệu văn hoá dân gian trong Đất Nước còn gắn với những thần thoại, truyền
thuyết và truyện cổ tích…
Đặc sắc, độc đáo về nghệ thuật của đoạn trích Đất Nước là sự
cảm nhận về đất nước trong một cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều bình diện.
Vừa theo mạch cảm xúc thơ, tác giả vừa huy động vào thơ cả một “kho tri
thức” phong phú mang tính tổng thể các loại văn học dân gian, đã làm nền tảng
vững chắc để làm nổi bật tư tưởng của đoạn trích. Trong lời mở đầu đoạn trích
Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm có dòng thơ:
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường
hay kể
Lời thơ “ngày xửa ngày xưa” là câu mở đầu thường thấy trong các truyện cổ
dân gian, nó mang âm hưởng của những câu chuyện cổ tích, đưa ta về một thuở rất
xa xưa.
Sự kì diệu của đất nước trong chống giặc ngoại xâm cũng được
nhà thơ gợi lên từ tinh thần nhổ tre đánh giặc Ân thuở nào của Thánh Gióng mà
truyền thuyết đã kể lại. Và những hình tượng quen thuộc trong thần thoại,
truyền thuyết như “chim, rồng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, bọc trăm trứng…
” cùng hội tụ trong trường liên tưởng của nhà thơ đã làm nổi bật ý thơ có
tầm khái quát cao: dân tộc ta là “con rồng cháu tiên”, cùng được sinh ra
từ bọc trăm trứng nở ra trăm con của cha là Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Vì
vậy để gợi nhớ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên, Nguyễn Khoa Điềm lại liên
tưởng ngay rằng:
Đất
là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng
bào ta trong bọc trứng
Nếu trong mỗi chúng ta, ai đó một khi chưa hiểu hết về đất
nước với những khái niệm trừu tượng như lãnh thổ, chủ quyền, thì chúng ta sẽ
cảm nhận được đất nước là một cái gì đó rất gần gũi, quen thuộc qua những câu
chuyện thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích mẹ thường kể từ thuở còn nằm
trong nôi.
3.
Chất liệu văn hoá dân gian còn gắn với phong tục tập quán của người Việt Nam
Đất nước còn được hình thành từ những truyền thống cao đẹp
như truyền thống yêu nước, anh hùng, lao động, văn hóa. Trước hết là truyền
thống văn hóa với phong tục ngàn đời của cha ông ta đúc kết lại. Vì thế, khi
Nguyễn Khoa Điềm tâm sự:
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đó là phong tục “miếng trầu là đầu câu chuyện” có từ
thuở các vua Hùng dựng nước. Hay gợi nhớ câu chuyện “Trầu cau” đầy nghĩa
tình vừa mang yếu tố truyền thuyết lại vừa đậm yếu tố đời thường cũng là
gợi nhớ tục ăn trầu của người Việt.
Hay khi nhà thơ miêu tả cái dáng dấp thấp thoáng của người mẹ hiện lên
trong vẻ đẹp đầy nữ tính của người phụ nữ Việt Nam, nhà thơ đã viết:
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Tục búi tóc thành cuộn sau gáy của người dân Việt, đó là tập quán thể hiện quan
niệm “cái răng cái tóc là góc con người” của người Việt cổ xưa mà đã một thời
tô điểm vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ Việt Nam.
Nhà thơ đã đưa đến cho người đọc quan niệm hình thành đất
nước, đất nước chúng ta được hình thành từ trong cộng đồng của những
người có chung kiểu ngôn ngữ nôm na dễ hiểu như thói quen đặt tên con bằng tên
các đồ vật cho dễ nuôi của người dân lao động nước ta:
Cái kèo, cái cột thành tên
Với miếng trầu dung dị hiện lên trên cái miệng móm mém nhai
trầu của bà, mái tóc bới hiền hòa của mẹ, cách gọi tên “cái kèo, cái
cột” dân dã. Tất cả những điều tưởng chừng như bình thường ấy đã trở thành
nếp sống, thành phẩm chất tốt đẹp, thành thuần phong mĩ tục đậm đà bản sắc mang
tính văn hoá Việt Nam.
Có thể nói từ những hệ thống như trên, chúng ta thấy
Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng chất liệu văn hoá, văn học dân gian một cách sáng
tạo. Không trích dẫn nguyên văn câu ca dao, tục ngữ, dân ca, không kể dài dòng
các truyền thuyết, truyện cổ tích, các phong tục tập quán, mà nhà thơ chỉ bắt
lấy rất tinh tế cái hồn của chất liệu dân gian để gợi liên tưởng, gợi suy ngẫm
cho người đọc. Cho nên khi tiếp xúc tạo cho người đọc cảm giác vừa quen vừa lạ.
Cảm giác “quen” vì từ thuở ấu thơ mỗi người trong chúng ta, ai cũng đã sống
trong không khí văn hoá dân gian, cho nên trong mỗi người Việt Nam hết sức nhạy
cảm với ca dao dân ca, cổ tích, truyền thuyết hay các phong tục tập quán…Chỉ
cần một lay động nhỏ, là tâm hồn người Việt Nam đã rung lên bao hồi ức. Còn cảm
giác “lạ” là khi đọc những dòng thơ này là do từ những chất liệu văn hoá, văn
học dân gian rất gần gũi ấy, nhà thơ đã thu nạp được nhiều ý tưởng rất thơ, rất
êm dịu và cũng rất bất ngờ đem lại sức hấp dẫn cho đoạn thơ.
Đến đây ta có thể nhận ra rằng: vẻ đẹp của chất liệu văn hoá
dân gian là vô cùng quan trọng đối với văn học viết nói riêng và văn học nghệ
thuật nói chung. Và cũng chính những chất liệu văn hóa ấy khi được cảm nhận sâu
sắc và vận dụng sáng tạo vào thơ sẽ tạo nên những khoảng âm vang rất lớn để
thơ ca trường tồn và song hành cùng thời gian, chính chiều sâu của những chất
liệu văn hóa dân gian đã tạo nên nét độc đáo riêng của đoạn trích Đất Nước của
nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Vấn đề 3
Hình tượng cây
xà nu
* Vị trí xuất hiện :
nhan đề, đầu và cuối tác phẩm, xuất hiện trong sự đối chiếu so sánh với các
nhân vật ở trong truyện.
* Nghĩa thực : Đây là
một loài cây có thật ở vùng đất Tây Nguyên.
* Nghĩa biểu tượng :
– Cây xà nu gắn bó với
cuộc sống con người Tây Nguyên:
+ Cây xà nu có mặt
trong đời sống hằng ngày của người dân làng Xôman.
+ Cây xà nu tham dự vào
những sự kiện trọng đại của dân làng Xôman.
+ Cây xà nu gắn với
cuộc sống của người dân làng Xôman đến mức nó đã thấm sâu vào nếp suy nghĩ và
cảm xúc của họ, cụ Mết nói về cây xà nu với tất cả tình cảm yêu thương, gần gũi
xen lẫn tự hào “không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”. Cây xà nu đã trở thành
một phần máu thịt trong đời sống vật chất và tinh thần của mảnh đất này.
– Cây xà nu tượng trưng
cho số phận và phẩm chất của con người Tây Nguyên trong chiến tranh cách mạng.
+ Thương tích mà rừng
xà nu phải gánh chịu do đại bác của kẻ thù tượng trưng cho những mất mát, đau
thương vô bờ mà dân làng Xôman nói riêng (anh Xút, bà Nhan, mẹ con Mai…) và
đồng bào Tây Nguyên nói chung đã phải trải qua trong cuộc chiến đấu.
+ Đặc tính ham ánh sáng của cây xà nu tượng trưng cho niềm khát khao tự do,
lòng tin vào lý tưởng cách mạng của người dân Tây Nguyên, của đồng bào miền Nam
trong cuộc kháng chiến.
+ Khả năng sinh sôi
mãnh liệt của cây xà nu gợi nghĩ đến sự tiếp nối của nhiều thế hệ người dân Tây
Nguyên (cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, Heng) đoàn kết bên nhau trong cuộc kháng chiến
chống đế quốc Mĩ.
+ Sự tồn tại kỳ diệu
của rừng xà nu qua những hành động hủy diệt của kẻ thù tượng trưng cho sức sống
bất diệt, sự bất khuất, kiên cường và sự vươn lên mạnh mẽ của con người Tây
Nguyên trong cuộc chiến mất còn với kẻ thù.
– Nghệ thuật miêu tả:
+ Kết hợp miêu tả cụ
thể lẫn khái quát, khi dựng lên hình ảnh cả rừng xà nu, khi đặc tả cận cảnh một
số cây.
+ Phối hợp cảm nhận nhiều
giác quan trong việc miêu tả những cây xà nu với vóc dáng tràn đầy sức lực,
tràn trề mùi nhựa thơm, ngời xanh giữa ánh nắng.
+ Hình tượng cây xà nu
vừa hiện thực lại vừa mang đậm ý nghĩa biểu tượng. Miêu tả cây xà nu trong sự
so sánh đối chiếu thường xuyên với con người. Các hình thức ẩn dụ, nhân hóa,
tượng trưng đều được vận dụng nhằm thể hiện sống động, hùng vĩ, khoáng đạt của
thiên nhiên đồng thời gợi ra nhiều suy tưởng sâu xa về con người, về đời sống.
+ Hình ảnh cây xà nu
xuất hiện ở đầu tác phẩm rồi kết thúc tác phẩm lại hiện ra cánh rừng xà nu bạt
ngàn. Đây là một kết cấu vòng tròn. Kết cấu ấy cho phép ta nghĩ : cây xà nu
không chỉ là tượng trưng cho một làng Xô Man nhỏ bé hay cho một vùng núi rừng
Tây Nguyên. Có thể đó còn là biểu tượng của cả miền Nam, của cả dân tộc Việt
Nam trong những tháng năm chống đế quốc Mĩ.
Vấn đề 4
Hình tượng nhân
vật Tnú
– Tnú là người có tính
cách trung thực, gan góc, dũng cảm, mưu trí:
+ Giặc giết bà Nhan,
anh Xút nhưng Tnú (lúc bấy giờ còn nhỏ) không sợ. Tnú vẫn cùng Mai xung phong
vào rừng nuôi giấu cán bộ.
+ Học chữ thua Mai, Tnú
đập vỡ bảng, lấy đá đập vào đầu đến chảy máu.
+ Khi đi liên lạc không
đi đường mòn mà “xé rừng mà đi”, không lội chỗ nước êm mà “lựa chỗ thác mạnh
vượt băng băng như con cá kình”. Bởi theo Tnú những chỗ nguy hiểm giặc “không
ngờ” đến.
+ Bị giặc phục kích
bắt, bị tra tấn dã man nhưng Tnú quyết không khai. Khi bọn giặc kéo về làng,
bắt Tnú khai cộng sản ở đâu anh đặt tay lên bụng dõng dạc nói “cộng sản ở đây
này”.
– Tnú là người có tính
kỷ luật cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng
+ Tham gia lực lượng vũ
trang, nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng khi được phép của cấp trên mới về thăm.
+ Tính kỉ luật cao
trong mối quan hệ với cách mạng biểu hiện thành lòng trung thành tuyệt đối: khi
bị kẻ thù đốt mười đầu ngón tay, ngọn lửa như thiêu đốt gan ruột nhưng Tnú
không kêu nửa lời, anh luôn tâm niệm lời dạy của anh Quyết : “người cộng sản
không thèm kêu van”.
– Một trái tim yêu
thương và sục sôi căm giận
+ Tnú là một người sống
rất nghĩa tình : Tnú đã tay không xông ra cứu vợ con. Động lực ghê gớm ấy chỉ
có thể được khơi nguồn từ trái tim cháy bỏng ngọn lửa yêu thương và ngọn lửa
căm thù. Tnú là con người tình nghĩa với buôn làng: anh lớn lên trong sự đùm
bọc yêu thương của người dân làng Xôman.
+ Lòng căm thù ở Tnú
mang đậm chất Tây Nguyên: Tnú mang trong tim ba mối thù : Thù của bản thân; Thù
của gia đình; Thù của buôn làng
– Ở Tnú, hình tượng đôi
bàn tay mang tính cách, dấu ấn cuộc đời
+ Khi lành lặn : đó là
đôi bàn tay trung thực, nghĩa tình (bàn tay cầm phấn viết chữ anh Quyết dạy cho
; bàn tay cầm đá đập vào đầu mình để tự trừng phạt vì học hay quên chữ …
+ Khi bị thương : đó là
chứng tích của một giai đoạn đau thương, của thời điểm lòng căm hận sôi trào
“Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng
ngực, cháy trong bụng”. Đó cũng là bàn tay trừng phạt, bàn tay quả báo khi
chính đôi bàn tay tàn tật ấy đã bóp chết tên chỉ huy đồn giặc trong một trận
chiến đấu của quân giải phóng.
– Hình tượng Tnú điển
hình cho con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên làm
sáng tỏ chân lí của thời đại đánh Mĩ : “chúng nó đã cầm súng mình phải cầm
giáo”.
+ Bi kịch của Tnú khi
chưa cầm vũ khí là bi kịch của người dân STrá khi chưa giác ngộ chân lý (bà
Nhan, anh Xút). Tnú là người có thừa sức mạnh cá nhân nhưng anh vẫn thất bại
đau đớn khi không có vũ khí. Với bàn tay không có vũ khí trước kẻ thù hung bạo
anh đã không bảo vệ được vợ con và bản thân.
+ Tnú chỉ được cứu khi
dân làng Xôman đã cầm vũ khí đứng lên. Cuộc đời bi tráng của Tnú là sự chứng
minh cho chân lí : phải dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt bạo lực phản cách
mạng.
+ Con đường đấu tranh
của Tnú từ tự phát đến tự giác cũng là con đường đấu tranh đến với cách mạng
của làng Xôman nói riêng và người dân Tây Nguyên nói chung.
Tóm lại, câu chuyện về cuộc đời và con đường đi lên của Tnú mang ý nghĩa tiêu
biểu cho số phận và con đường của các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến
chống đế quốc Mĩ. Vẻ đẹp và sức mạnh của Tnú là sự kết tinh vẻ đẹp và sức mạnh
của con người Tây Nguyên nói riêng và người Việt Nam nói chung trong thời đại
đấu tranh cách mạng.
Vấn đề 5
Chi tiết giọt nước
mắt
1. Khái quát về
chi tiết giọt nước mắt
Trong
tác phẩm Vợ chồng A Phủ,
hình ảnh giọt nước mắt nhiều lần xuất hiện gắn liền với tình cảnh éo le của hai
nhân vật Mị và A Phủ:
-
Khi mới bị bắt về làm dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Tra, có tới hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc.
-
Mị bỏ trốn về nhà, hai tròng mắt
còn đỏ hoe…nức nở. Nghe lời của cha, Mị chỉ bưng mặt khóc.
-
Đêm mùa xuân, Mị bị A Sử trí đứng vào cột. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi
được.
-
Đêm mùa đông, Mị trở dậy thổi lửa. Mị
lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh
bò xuống hai hõm má đã xám đen lại.
* Ý nghĩa nội dung và nghệ thuật.
- Nội dung
+
Phản ánh tình cảnh éo le, ngang trái, số phận cùng khổ, bất hạnh của Mị và A Phủ.
+
Thể hiện sâu sắc sức sống tiềm tàng, tinh thần phản kháng, khát vọng sống của
các nhân vật.
+
Góp phần thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc của tác phẩm
- Nghệ thuật
Là
những chi tiết quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sắc
nét thế giới nội tâm, diễn biến tâm lí của nhân vật.
2.
Giọt nước mắt của A Phủ
- Chi tiết Mị nhìn thấy
"dòng nước mắt lấp lánh bò xuống
hai hõm má" của A Phủ là một chi tiết rất quan trọng trong mạch cốt
truyện và đánh dấu bước chuyển biến trong tâm lí, hành động của nhân vật Mị.
* Hoàn cảnh:
- Bối cảnh không - thời
gian: "Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn
lửa bập bùng sáng lên".
- Hoàn cảnh của A Phủ:
bị bắt trói, bị đánh đập, hành hạ tàn nhẫn. A Phủ lâm vào cảnh tuyệt vọng và bị
đẩy đến gần cái chết "chỉ đêm mai là chết ... chết đau, chết đói, chết
rét, phải chết".
- Hoàn cảnh của Mị: Là
người phụ nữ nhân hậu, giàu yêu thương nhưng đã bị trà đạp tàn nhẫn đến gần như
lạnh lùng, vô cảm với nỗi đau đồng loại (trước đó, Mị đã nhiều đêm dậy thổi lửa,
chứng kiến A Phủ bị trói nhưng chẳng hề quan tâm). Những dòng nước mắt của A Phủ
đã thức dậy trong cô những gì tốt đẹp nhất.
* Ý nghĩa của chi tiết với tâm lí nhân vật Mị:
- Chi tiết này đánh dấu
bước chuyến biến quan trọng trong tâm lí Mị.
+ Giọt nước mắt và tình cảnh tuyệt vọng của A
Phủ thức dậy trong Mị hình ảnh của chính mình "đêm năm trước". Cô
thương xót cho thân phận mình.
+ Từ nỗi thương thân, cô thương cho người đàn ông bất
hạnh kia chỉ ngày mai là chết. Từ lòng thương ấy, Mị nhận ra tất cả sự bất
công, tàn ác của nhà Thống lí, của tầng lớp thống trị. Nghĩ thế, trong Mị thôi
thúc hành động giải phóng cho A Phủ.
+ Mị nghĩ đến tình cảnh của mình sẽ bị hành hạ sau khi
giải thoát cho A Phủ nhưng "làm sao Mị cũng không thấy sợ". Cô quyết
tâm hành động, cắt dây trói cứu A Phủ và giải phóng cho chính cuộc đời mình.
- Chi tiết này cho thấy
nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật tài tình của Tô Hoài, tấm lòng yêu thương,
trân trọng của nhà văn khi phát hiện ra những phẩm chất cao đẹp ẩn sâu trong
đáy hồn của những con người đau khổ, bất hạnh.
Vấn đề 6
Nhân vật A Phủ trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.
I.
Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Giới thiệu nhân vật.
II. Thân bài
1. Xuất thân của A Phủ
– Khốn khó, mồ côi cha
mẹ, sống tự do, khỏe mạnh, siêng năng, giàu bản lĩnh, nhưng không kiêu ngạo, là
“con trâu tốt” của bản mường nhưng vì nghèo nên không lấy được vợ. Trích câu
dân làng nói về A Phủ.
– Là con người không
bao giờ nhùn bước trước cường quyền, bạo chúa. A Phủ biết A Sử là con thống lí
nhưng vẫn ra tay đánh, vẫn phải trừng trị kẻ xấu, kẻ gây rối.
2. Trải qua những ngày tháng đọa đày cùng cực trong
nhà Thống Lý
– Sau việc đánh con
quan làng, A Phủ đã nhận lấy những trận đòn kinh người của nhà Thống Lý, A Phủ
dù bị đánh đập nhưng không hề kêu van xin tha đến nửa lời. Anh rất cứng đầu,
mạnh bạo và không chịu khuất phục.
– Bị phạt vạ, A Phủ
thành người ở không công quần quật với công việc: “đốt rừng, cày nương, cuốc
mương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình bôn
ba rong ruổi ngoài gò ngoài rừng”. Nhưng anh không hề nói lại nửa lời mà chấp
nhận vì bọn chúa đất đày đọa, áp bức nhân dân quá trơ trẽn. A Phủ chấp nahanj
cũng vì chính A Phủ cũng không có gia đình, có nhà, hơn nữa, anh đã gây lên tội
thì cũng phải chịu phạt.
– Khi hổ vồ mất bò, A
Phủ nhất quyết cãi lại lời Thống Lý, quyết tâm đi bắt hổ. Nhưng cuối cùng anh
đành phải tự tay đóng cọc để người ta trói mình. Đau khổ cùng cực đến nỗi khi
Mị nhìn sang thì thấy “một dòng nước lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đem
lại”, “thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh”.
3. Nổi bật ở A Phủ là một sức phản kháng mãnh liệt:
– Điều này thống nhất
với bản tính gan góc từ nhỏ: cả nhà chết hết vì bệnh dịch, làng chết và đói nên
“người làng đói bụng bắt A Phủ đem xuống bán đổi lấy thóc của người Thái dưới
cánh đồng. A Phủ mới mười tuổi, nhưng A Phủ ngang bướng, không chịu ở dưới cánh
đồng thấp. A Phủ trốn lên núi, lưu lạc ở Hồng Ngài”.
– Trong đêm tình mùa
xuân, trước việc gây chuyện của đám trai làng do A Sử cầm đầu, A Phủ đã gan góc
” vung tay ném con quay rất to vào mặt A Sử”, “xộc tới, nắm cái vòng cổ, kéo
đập đầu xuống đất, xé vai áo, đánh tới tấp”. Hành động này thật dũng cảm, dẫu
chỉ là bộc phát. A Phủ thể hiện mình không chịu nhục trước thế lực cường quyền.
– Đặc biệt khi được Mị
cởi trói, mặc dù rất đau đớn đến “khụy xuống, không bước nổi”, trong người
không còn sức lực do phải chịu cực hình, trói đứng và nhịn đói, nhưng anh đã
“quật sức vùng lên chạy”; cùng với Mị tự giải thoát khỏi nhà thống lý. Khát
vọng, sức sống từ người phụ nữa cùng cảnh ngộ đã thổi bùng trở lại sức sống và
khát vọng tự do nơi người con trai mang bản chất tốt đẹp này.
4. Đánh giá
– Nếu Mị là kiểu nhân
vật tâm lí thì A Phủ lại là nhân vật hành động táo bạo, quyết liệt.
– Khi miêu tả A Phủ,
nhà văn phối hợp vừa tả vừa kể, nhấn mạnh các chi tiết cụ thể, ấn tượng để khắc
họa những đặc điểm, tính cách nhân vật.
– Cùng với Mị, A Phủ đã
góp phần hoàn thiện chân dung con người miền núi Tây Bắc: Số phận đâu thương
nhưng giàu sức sống, tình cảm và khát vọng.
– Người đọc cũng mong
có một kết thúc tốt đẹp đến với A Phủ và Mị. Bởi họ là những con người không
chịu khuất phục trước cường quyền gian ác. Nếu chị Dậu trong “Tắt Đèn” của Ngô
Tất Tố chạy ra khỏi nhà lí thống trong đêm tối, cái đêm đen cũng đen như cuộc
đời của chị, người ta mong chị sẽ gặp được ánh sáng soi rọi của cách mạng, thì
ở đây, người đọc cũng mong A Phủ và Mị chạy thoát khỏi nhà lí thống, gặp được
ánh sáng của Cách mạng ở cuối đường.
III. Kết bài
Khi miêu tả nhân vật A
Phủ, nhà văn miêu tả qua những hành động khi bị đánh đập, để thấy được sức sống
kiên cường của anh. Số phận của nhân vật A Phủ cũng giống như số phận của bao
người dân miền núi khác, như Mị. Họ đã phải luôn đấu tranh giành lại hạnh phúc,
họ đã phải trải qua bao tủi cực, cay đắng. Nhưng họ đã đấu tranh để tự giải
phóng bằng sức mạnh quật khởi của chính mình.
Vấn đề 7: Cảm nhận về chi tiết tiếng sáo
trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ -Tô Hoài.
Gợi ý:
1. Mở bài:
-
Giới thiệu tác giả, tác phẩm
-
Dẫn dắt đến chi tiết tiếng sáo
2. Thân bài:
a. Khái quát về tác phẩm
(hoàn cảnh ra đời, vị trí, xuất xứ tác phẩm)
- Vai trò của chi tiết trong tác phẩm: Chi
tiết tiếng sáo xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm góp phần quan trọng thể hiện
tâm lí nhân vật, tư tưởng tác phẩm và điển hình cho nghệ thuật của Tô Hoài.
b. Cảm nhận về chi tiết:
*. Nêu chi tiết:
-
Mị thổi sáo giỏi. Mị uốn chiếc lá trên môi,thổi lá cũng hay như thổi sáo.Có
biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
- Hồng Ngài vào xuân. Ngoài đầu núi lấp ló
đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi.
Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết thao bối
hồi. Mị ngồi nhẩm theo bài hát của người đang thổi:
“Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Tao không có con trai con gái
Tao đi tìm người yêu”
-
Và đến lúc say, Mỵ nghĩ đến tình cảnh của mình. “ Nhớ lại chỏ thấy nước mắt ứa
ra . Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lơ lửng bay ngoài đường”:
“Anh ném pao em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi”
-
Đến khi bị trói. Mị vẫn nghe tiếng sao đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những
đám chơi:
“
Em không yêu, quả pao rơi rồi.
Em yêu người nào, em bắt pao nào…”
Mị
vùng bước đi. Nhưng tay chân không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa”.
*.
Ý nghĩa:
- Tiếng sáo mở ra một không gian xa xôi của
núi rừng tây bắc. Tiếng sáo biểu hiện cho vẻ đẹp của phong tục, nét đẹp văn hóa
người dân miền núi khi mùa xuân về.
-
Tiếng sáo đại diện cho tài năng của con người
-
Là biểu tượng cho tiếng gọi cuộc sống, tình yêu; nó đã lay gọi, khơi gợi lòng
yêu đời, yêu cuộc sống tự do trong Mĩ
-
Tiếng sáo tác động và góp phần thể hiện diễn biến tâm lí của Mị, là động lực
thúc đẩy Mị đi đến hành động chuẩn bị đi chơi xuân: tiếng sáo kêu gợi quá khứ
tươi đẹp ,ước mơ về cuộc sống hạnh phúc,đồng thời tiếng sáo là chất xúc tác
trực tiếp khơi gợi sức sống tiềm tàng của Mị.
-
Thể hiện tư tưởng của tác phẩm: sức sống con người cho dù bị giẫm đạp, trói
buộc nhưng vẫn luôn âm ỉ chờ cơ hội bùng lên.
*
Đánh giá:
- Tiếng sáo là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc,
được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm, được miêu tả từ gần đến xa, được tái
hiện qua nhiều cung bậc: lấp ló đầu núi, văng vẳng ngoài đường, rập rờn trong
đầu Mị.
-
Tiếng sáo được miêu tả với ngôn ngữ giàu hình ảnh.
-
Chi tiết tiếng sáo góp phần thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.
Nếu tiếng chân ngựa đạp vào vách là sự lên tiếng của hiện thực phũ phàng thì
tiếng sao lại là hiện thân của những ước mơ, hoài niệm.
- Tiếng sáo là âm thanh của khát vọng sống,
tự do trong mỗi người. Dù trong hoàn cảnh nào,
hãy luôn giữ khát vọng sống, khát vọng tự do và hạnh phúc.
3. Kết bài:
Khẳng
định vai trò của chi tiết tiếng sáo trong tác phẩm.
Vấn đề 8: 1. Đối
thoại, xung đột giữa Hồn Trương Ba với xác hàng thịt.
Gợi ý
1.1. Đối thoại trong kịch:
- Đối thoại
trong kịch thể hiện những chức năng cơ bản như dẫn chuyện - kể chuyện; bộc lộ
tư tưởng chủ đề; thể hiện tính cách nhân vật; diễn tả chiều sâu nội tâm nhân vật;
dẫn dắt xung đột kịch vận động phát triển.
- Đối thoại giữa Hồn Trương
Ba và xác anh hàng thịt (gọi ngắn gọn đối thoại giữa Hồn và Xác) thực chất là
xung đột giữa bên trong và bên ngoài, giữa ý thức trong sáng, thanh cao, lý tưởng
với những đòi hỏi của nhu cầu bản năng trong mỗi con người.
1.2.
Về nội dung của đối thoại.
* Hồn Trương Ba
đau khổ, bất lực trước sự lấn át của thân xác
- Hồn Trương Ba mong muốn thoát khỏi
thân xác: đã chán chỗ ở, cái thân thể kềnh càng, đã bắt đầu sợ và chỉ muốn xa thân
xác thô lỗ, phàm tục
- Hồn Trương Ba phủ nhận vai trò tồn tại
của thân xác: là thứ phàm tục không có tiếng nói, là cõi âm u và đui mù, chỉ là
cái vỏ bề ngoài, không có ý nghĩa và càng không có tư tưởng, cảm xúc.
- Hồn cho rằng mình có đời sống nguyên
vẹn, thẳng thắn, trong sạch.
- Mặc dù đã dùng mọi thứ lí lẽ nhưng Hồn
Trương Ba không thể chối bỏ được sự tồn tại của thân xác, thậm chí Hồn Trương
Ba còn biết rõ sức mạnh của thân xác. Hồn
Trương Ba chống trả một cách bất lực, bị yếu thế trước những lí lẽ đê tiện của
xác (lưu ý thái độ, cử chỉ, điệu bộ, cách xưng hô của Hồn Trương Ba với xác anh
hàng thịt) và cuối cùng phải chấp nhận nhập vào cái xác mà mình căm ghét.
* Xác anh hàng
thịt đã thắng thế trong cuộc đối thoại.
- Xác khẳng định là Hồn không tách rời
khỏi xác, cả hai hòa với nhau làm một.
- Xác hàng thịt còn ý thức được sức mạnh
của mình. Xác còn cho rằng tiếng nói chứa đựng sự thật và lí lẽ của mình cần được
Hồn thừa nhận.
- Thậm chí, xác còn mong muốn được đối
xử công bằng, được tôn trọng.
- Trong cuộc đối thoại, xác mỗi lúc một
lấn lướt, dồn đuổi Hồn Trương Ba. Xác còn thông minh, mềm dẻo trong thuyết phục,
tranh luận; khi thì sử dụng lí lẽ, lúc lại đưa ra bằng chứng; khi thì cao giọng
thách thức, lúc lại buồn dầu thanh minh; khi thì đắc ý, lúc lại vuốt ve xoa dịu
và an ủi,… Như thế xác đã chứng tỏ được ưu thế, để kết thúc màn đối thoại, cái
Hồn ương bướng lại tìm chỗ trú thân ở xác hàng thịt.
1.3. Đánh giá
- Cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và
xác hàng thịt thể hiện tính kịch: dai dẳng, quyết liệt…
- Nội dung của đối thoại xoay quanh một
vấn đề giàu chất triết lí giữa hai mặt tồn tại trong một con người, từ đó nói
lên khát vọng hướng thiện của con người và tầm quan trọng của việc tự ý thức, tự
chiến thắng bản thân.
- Ngôn ngữ, điệu bộ, cử chỉ của nhân vật
phù hợp với tính cách và cảnh ngộ riêng.
Nhóm chuyên môn Ngữ Văn
All comments [ 0 ]
Your comments